Lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì 72 năm qua là khoảng thời gian không quá ngắn từ ngày nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính thức được ra đời. Trong những năm tháng hào hùng ấy lại chứa đựng nhiều sự kiện, quyết định quan trọng cho vận vận cũng như tương lai của cả một đất nước non trẻ thời bấy giờ. Trong nhiều loại hình tô điểm cho đất nước không thể quên sự hiện diện của kiến trúc với tư cách là nhân chứng, dấu ấn qua từng giai đoạn của lịch sử Việt Nam đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Tám.
Đặt dấu mốc quan trọng cho nền kiến trúc cách mạng khởi đầu là công trình Lễ đài Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Huy Huỳnh thiết kế và thi công chỉ trong một ngày một đêm (01/09), tại Quảng trường Ba Đình. Sáng ngày 02/09/1945, trên Lễ đài giản dị được làm hoàn toàn bằng vật liệu gỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã ra mắt quốc dân đồng bào. Người đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam, nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á trước toàn thế giới.
Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tiếp theo đó là cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, giới kiến trúc sư của nước ta khi ấy còn rất non trẻ, chỉ với hơn 20 người được học và tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Nghe theo lời kêu gọi của Bác và Chính phủ đoàn kiến trúc sư đã từ bỏ chốn phồn hoa lên chiến khu Việt Bắc tham gia cùng cả nước kháng chiến và thành lập lên hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Bác đã gửi thư chúc mừng và căn dặn: “ Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc, vì vậy kiến trúc là một việc rất quan trọng. Tùy vào hoàn cảnh mà xây dựng, chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị, cao ráo, sáng và rẻ tiền phù hợp với người nông dân”.
Do vậy, các thế hệ đầu tiên của Hội kiến trúc sư Việt Nam như: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Văn Ninh… đã tích cực đem hết tài năng của mình vượt qua nhiều khó khăn đạn bom của cuộc chiến để phục vụ nhân dân. Những công trình của họ được xây dựng bằng vật liệu đơn giản gỗ, tre, nứa lá tại chiến khu Việt Bắc đã ghi dấu những thành tựu đầu tiên của ngành kiến trúc cách mạng non trẻ. Cao cấp hơn là các trụ sở ủy ban hành chính, nhà thông tin, hội trường hay các công trình lớn hơn phục vụ các kỳ đại hội của Đảng..
Lán Bác Hồ tại Khuôn Tát trên đồi Nà Đình, Định Hóa, Thái Nguyên
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào khôi phục đất nước sau chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bắt đầu từ đó, cả miền Bắc được ví như một công trường lớn với nhiều công trình được xây dựng hối hả và tấp lập. Khôi phục hậu quả do chiến tranh để lại, là sự ra đời các khu nhà ở tập thể cao tầng (chung cư) như khu nhà ở Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân… các công trình kiến trúc đặc biệt như Lễ đài Ba Đình (KTS Nguyễn Văn Ninh), Hội trường Ba Đình (KTS Trần Hữu Tiềm), Đài Tưởng niệm Liệt sĩ… Trụ sở cơ quan của Đảng, Chính phủ như Bộ Xây dựng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Công nghiệp… các khu công nghiệp như Khu gang thép Thái Nguyên, Liên hợp dệt Nam Định, Than Quảng Ninh… các nhà máy điện, nhà máy cơ khí như: nhà máy Trần Hưng Đạo, dệt 8/3, dệt kim Đông Xuân, Nhựa Tiền Phong… các bệnh viện, trường đại học như Bách khoa, Thủy lợi (KTS Đoàn Văn Minh), Tổng hợp, Ngoại ngữ, Giao thông, Bưu điện… và hàng ngàn trường phổ thông, mẫu giáo, mầm non cùng hàng vạn công trình kiến trúc, thủy lợi phục vụ xây dựng phát triển nông thôn. Nhiều đồ án quy hoạch đô thị được lập. . Giai đoạn này hình thành phong cách kiến trúc tiền xã hội chủ nghĩa với phương châm sáng tác “Thích dụng, bền vững, kinh tế và đẹp trong điều kiện có thể”. Các công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ này đều do các kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương thiết kế là chủ yếu.
Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc năm 1965, lúc này đội ngũ kiến trúc sư đã được bổ sung, nhiều kiến trúc sư được đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Trung Quốc, CHDC Đức, Ba Lan.. tốt nghiệp trở về nước. Lúc này các công trình được thiết kế ra nhằm mục đích che chắn, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các công trình công nghiệp quan trọng… nhưng chủ yếu sản xuất kinh tế để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong thời kỳ này, sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ kiến trúc sư đã tạo nên các công trình nghệ thuật yêu nước mà đến ngày ngày vẫn còn giá trị lịch sử to lớn như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội, quy hoạch các đô thị, thành phố lớn.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã kết thúc non sông liền một dải, đất nước thống nhất. Do đó các kiến trúc sư hai miền cùng hội tụ dưới mái nhà chung là Hội kiến trúc sư Việt Nam và hầu hết đều làm trong ngành xây dựng. Năm 1986 đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, đã thu được nhiều kết quả đáng nể do đó kiến trúc Việt Nam cũng thực sự khởi sắc. Sau gần 30 năm đổi mới hiện tại nước ta đã có một hệ thống với gần 800 đô thị, thành phố mới và cũ, lớn và nhỏ được hình thành khắp cả nước, hàng ngàn khu đô thị mới được xây dựng với công nghệ tiên tiến và vật liệu mới. Cũng trong thời kỳ này nhiều công trình kiến trúc lớn hiện đại có có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế được xây dựng như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Sân Thể thao Quốc gia, Nhà Quốc hội…
Khu đô thị Times city Hà Nội
Thành phố Đà Nẵng hôm nay
Ngày nay để thích ứng với biến đổi khí hậu chúng ta đang phát triển Kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững thân thiện với môi trường thiên nhiên. Hòa cùng dòng chảy chung trên thế giới cả về tất cả mọi mặt nhưng chúng ta đang đứng trước một hiểm họa đó là đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, mà kiến trúc là biểu hiện rõ ràng nhất.
72 năm đã qua, kiến trúc Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ mà Bác căn dặn 67 năm về trước. Đội ngũ kiến trúc sư hôm nay đã trưởng thành với hơn 16 nghìn người, trong đó 70% là kiến trúc sư trẻ. Bên cạnh bức tranh hoành tráng về nền Kiến trúc Việt Nam sau Cách mạng, thì vẫn còn đó những mảng xám, tối màu. Đó là nhiều thành phố, đô thị phát triển không đồng bộ, manh mún, chắp vá… giữa quy hoạch và thực tế cuộc sống, giữa bảo tồn và phát triển. Ngày nay nhiều khu đô thị chen chúc, những khối nhà cao tầng đồ sộ nhưng lại thiếu không gian xanh, mặt nước, không gian thoáng đãng dành cho người già và trẻ em. Nhiều công trình có kiến trúc kệch cỡm, xa lạ với văn hóa của người Việt do du nhập từ những bãi thải của kiến trúc quốc tế. Bất chấp luật pháp nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, thò ra thụt vào đã và đang phát triển làm xấu đi bộ mặt của một đô thị văn minh. Đó là nhiều làng quê truyền thống đã và đang bị phá vỡ bởi xu hướng đô thị hóa. Còn nhiều vấn đề của kiến trúc hôm nay cần được quan tâm, giải quyết một cách nghiêm túc trước những đòi hỏi của cuộc sống, nhân dân.
Nhìn lại chặng đường 72 năm phát triển nền kiến trúc từ cách mạng đến nay, Arcsens càng nhận rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình. Làm sao để điểm tô cho đất nước nhiều công trình có sáng tạo, an toàn và tiện lợi không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm phải hoàn thành trong thời kỳ phát triển mới.
Sưu tầm: Đinh Phương (ArcSens)
Xây dựng nên ngôi nhà mơ ước với thiết kế tại ArcSens!
THÔNG TIN BỔ ÍCH:
- Chiêm ngưỡng 25 công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới
- 7 lý do bạn nên làm việc với một kiến trúc sư thiết kế nhà UY TÍN
- Nhà sinh thái tại Mỹ – Kiệt tác kiến trúc đỉnh đồi.
Sinh ra với sứ mệnh: “Lay động giác quan – Nâng tầm sống Việt”
Kiến trúc Giác Quan – ArcSens luôn sát cánh cùng bạn trên hành trình xây dựng nên ngôi nhà mơ ước. Bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào quy trình thiết kế, chúng tôi tự hào mang đến những sản phẩm kiến trúc và dịch vụ tốt nhất, vượt trên cả sự mong đợi của bạn.