Trong thiết kế nhà cửa, khoảng thông tầng là một giải pháp lấy sáng hiệu quả, phù hợp với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, khó tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Ngoài ra, thiết kế khoảng thông tầng còn là một xu hướng được yêu thích hiện nay.
Với tình trạng đất chật người đông như hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn đông đúc, người dân ưa chuộng mẫu nhà nhỏ dưới 100m2 vì có giá thành tương đối thấp, phù hợp với tài chính. Thế nhưng, vì diện tích không đủ rộng và phần lớn đều được dành để đáp ứng nhu cầu, sinh hoạt của gia đình nên sẽ thiếu nơi thông gió và ánh sáng tự nhiên không nhiều.
Điều này dẫn đến không gian bị tối và ngột ngạt, ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, Kiến trúc Giác Quan sẽ giới thiệu bạn đọc giải pháp thiết kế khoảng thông tầng đẹp và hiệu quả.
Thiết kế khoảng thông tầng là gì?
Khoảng không gian trống trong nhà có khả năng lấy sáng như giếng trời được gọi là thông tầng. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa thông tầng và giếng trời chính là thông tầng có không gian rộng hơn và không bắt buộc phải thông từ tầng 1 đến mái nhà. Nói cách khác, thông tầng là khái niệm rộng hơn, trong đó bao gồm cả giếng trời.
Thiết kế khoảng thông tầng là giải pháp lấy sáng hiệu quả
Ưu điểm của thông tầng
Đối với những ngôi nhà có diện tích nhỏ hoặc những căn hộ dạng lửng, gia chủ nên thiết kế khoảng thông tầng để tạo cảm giác ngôi nhà trở nên cao và rộng hơn. Những căn nhà ống có chiều dài từ 20m trở lên cần phải có 2 hoặc 3 khoảng thông tầng. Những khoảng thông tầng này sẽ đóng vai trò như giếng trời và được bố trí đều từ trước đến cuối nhà.
Thiết kế khoảng thông tầng ở giữa nhà thay vì dùng tường, vách để ngăn phòng khác với bếp sẽ tạo cảm giác như ngôi nhà được mở rộng hơn. Ngoài ra, nó còn có khả năng lấy sáng tự nhiên và đối lưu không khí. Nếu bố trí thông tầng tại vị trí cuối nhà, không gian bếp và phòng ăn sẽ trở nên thông thoáng hơn.
Thiết kế khoảng thông tầng tạo không gian sang trọng, nâng tầm đẳng cấp cho ngôi nhà
Ngoài ra, khoảng thông tầng mang lại rất nhiều lợi ích khác cho ngôi nhà của bạn, như khiến không gian trang trọng hơn, tạo góc quan sát rộng… Đối với một vài công trình, thông tầng còn tạo điểm nhấn cho tổng thể ngôi nhà.
Nguyên tắc thiết kế khoảng thông tầng
Đầu tiên, để thiết kế khoảng thông tầng, ngôi nhà của bạn phải đảm bảo có ít nhất 2 tầng và cần cân nhắc, tính toán khoảng thông tầng thật tỉ mỉ để đảm bảo sự hài hoà, cân đối cho cả ngôi nhà. Đối với những ngôi nhà phố có chiều sâu từ 20m trở lên, gia chủ nên dùng từ 2 – 3 khoảng thông tầng không gian thoáng và sáng sủa hơn. Những ngôi nhà nhỏ cũng cần được thiết kế khoảng thông tầng để nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên.
Thông tầng nên được bố trí sát vách tường nhà để tránh âm thanh vang lớn, gây ảnh hưởng đến người trong nhà và mất sự riêng tư. Ngoài ra, bức tường của khoảng thông tầng nên được thiết kế sần sùi, xù xì, nhám để tiêu âm, triệt tiêu âm thanh hết mức có thể. Một số gợi ý cho bức tường khoảng thông tầng chính là dùng sơn gai, ốp gạch thẻ hoặc đơn giản hơn đó là trang trí bằng tranh ảnh, tủ,… để không gian sinh động hơn.
Xem thêm: 5 cách hô biến không gian nhỏ hẹp trở nên rộng rãi
Khi sử dụng mái che, cần lưu ý đó là phải bố trí nóc cao thêm 1m so với mái nhà, và ngoài ra cần có 2 cửa thông gió với chớp chắn để đón được gió nhưng ngăn nước tràn vào. Nếu thiết kế khoảng thông tầng không có mái che, cần phải bố trí nơi thoát nước thật tốt ở đáy giếng. Và khu vực xung quanh nên có hệ thống che chắn để không bị ướt mưa, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình.
Cuối cùng, hệ thống hành lang, cầu thang và cửa sổ gần khu vực thông tầng cần được trang bị lang can vững chắc để đảm bảo an toàn cho người trong gia đình khi sinh hoạt. Nếu bạn thiết kế khoảng thông tầng trong ngôi nhà 2 tầng và tận dụng khu vực bên dưới để sinh hoạt, cần chú ý đến hệ thống đèn trang trí, chậu cây cảnh… được treo trên tường của thông tầng phải được gia cố chắc chắn để tránh gây nguy hiểm đến các thành viên trong gia đình.
Một số điều cần lưu ý khi thiết kế khoảng thông tầng
Yếu tố phong thủy khi thiết kế khoảng thông tầng
Trong Ngũ hành, tất cả các không gian trong ngôi nhà đều mang những đặc tính riêng, vì vậy, chúng đòi hỏi cần phải có sự bố trí, sắp xếp khéo léo và hợp lý theo tương sinh hay tương khắc để mang lại sự hài hòa cho tổng thể của cả ngôi nhà. Khoảng thông tầng được bố trí liên kết với không gian nào thì đặc tính ngũ hành của không gian đó sẽ nổi trội hơn.
Cụ thể, khoảng thông tầng của khu vực phòng bếp và phòng ăn (có tính Hỏa cao) cần phải có sự thoát nhiệt tốt, vì vậy, gia chủ nên ưu tiên dùng những vật dụng mềm mại (Thủy giảm Hỏa) để trang trí trên tường hoặc trần.
Thông tầng liên kết với bếp cần thoát nhiệt tốt để cân bằng
Bên cạnh đó, những không gian phòng khách (thuộc về hành Thổ là chính), khi thiết kế khoảng thông tầng, gia chủ nên sử dụng những vật liệu mang đến cảm giác ấm cúng, sáng sủa và tươi tắn,… Ví dụ như dùng đèn chùm treo ở khoảng thông tầng vì đèn thuộc hành Hoả, tương sinh với hành Thổ của phòng khách.
Còn những ngôi nhà nhỏ cần có khoảng thông tầng cần nghiêng về hành Thủy (sinh Mộc) để mang lại sự mềm mại, triệt tiêu cảm giác chật hẹp, và cần có màu sắc nhạt với những đường nét uốn lượn.
Bài viết này là những điều bạn cần biết khi thiết kế khoảng thông tầng để vừa mang lại không gian sang trọng, tuyệt đẹp, vừa giúp tinh thần người trong gia đình tốt hơn. Xem thêm dịch vụ thiết kế nội thất của Kiến trúc Giác Quan để tìm thêm những ý tưởng độc đáo cho ngôi nhà của bạn nhé!