Quảng trường Ba Đình là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam. Vào ngày 02/09/1945, chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khuôn viên Quảng Trường Ba Đình bao gồm một số công trình kiến trúc quan trọng không chỉ mang tính biểu tượng cho sự kiện lịch sử mà còn đại diện cho tâm hồn của quốc gia. Mời bạn khám phá cùng đội ngũ ArcSens nhé!
Các công trình trong khuôn viên Quảng Trường Ba Đình
- Lăng Bác Hồ
Lăng Bác Hồ là nơi an nghỉ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xây giữa Quảng Trường Ba Đình. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, đồ sộ và uy nghi, được xây dựng từ năm 1973 đến năm 1975. Tổng thể kiến trúc Lăng Bác Hồ có hình vuông, cao 21.6m và rộng 41.2m. Độ bền chắc của lăng có thể chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter.
Bề mặt ngoài của Lăng Bác Hồ được phủ đá granite xám, tạo nên vẻ đẹp mạnh mẽ và ấn tượng. Các hàng cột đá hoa cương được bố trí xung quanh khối lăng, tăng thêm phần uy nghiêm. Tại đỉnh lăng, dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” được tạo nên từ đá ngọc màu đỏ thẫm, tượng trưng cho tình yêu và sự kính trọng vô bờ bến của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sảnh trước của Lăng được lát bằng đá hoa cương, nổi bật lên là dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” và chữ ký dát vàng của Bác.
Lăng Bác Hồ không chỉ là một tác phẩm kiến trúc ấn tượng, mà còn là biểu tượng sống về tình yêu quê hương và tinh thần độc lập của người Việt Nam.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở phía Nam Quảng trường Ba đình, phía sau Lăng Chủ tịch, khởi công xây dựng ngày 31/08/1985 và khánh thành vào ngày 19/05/1990 (kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Về kiến trúc tổng thể, Bảo tàng được xây dựng theo một khối hình vuông và chéo sang 2 bên hông, cao gần 20m. Nhìn từ xa, bảo tàng trông như một bông sen màu trắng, tượng trưng cho cuộc sống giản dị và thanh tao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn, nổi bật lên là một bức phù điêu lớn với hình quốc kỳ và búa liềm đan xen nhau, thể hiện cho tư tưởng nền độc lập và một xã hội chủ nghĩa.
Bảo tàng này được xây dựng để tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch. Đây cũng là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu và hình ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Việt Nam.

- Phủ Chủ tịch
Được xây dựng từ năm 1900 đến năm 1906, Phủ Chủ tịch mang phong cách thời kỳ Phục Hưng. Sau khi thủ đô Hà Nội giải phóng năm 1954, toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch và trở thành nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc họp quan trọng của Hội đồng Chính phủ, tiếp đón các vị nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia, đại biểu quốc tế và các đoàn khách quan trọng khác.
Nằm trong khuôn viên Quảng trường Ba Đình, dinh thự bề thế này được thiết kế bởi kiến trúc sư Lichten Fenđơ, với diện tích 1,300m2. Nhìn từ ngoài vào, Phủ Chủ tịch nổi bật với 1 khối lớn ở giữa và 2 khối 2 bên đối xứng, theo lối kiến trúc cổ điển Pháp. Tòa nhà cao 4 tầng, gồm 30 phòng với phong cách riêng biệt cho từng phòng.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969, toà nhà này trở thành một trong những di tích lưu niệm quan trọng về Người và vẫn là nơi tiến hành nhiều hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước.

- Khu nhà sàn và ao cá Bác Hồ
Ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng vào ngày 15/04/1958 và khánh thành vào ngày 17/05/1958, nằm trong khuôn viên Quảng trường Ba Đình. Ngôi nhà được xây dựng ở khu đất phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, giữa một khu vườn xanh mát, phía trước có ao cá. Ngôi nhà 2 tầng có chiều dài 10.5m và rộng 6.2m. Với cấu trúc bằng gỗ và sàn nhà thấp, khu nhà sàn mang trong mình vẻ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng ấm cúng.
Nhà sàn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh sống và làm việc từ những năm đầu của Chiến tranh Việt Nam cho đến khi Bác ra đi. Đây không chỉ là di sản kiến trúc, di sản văn hóa của Việt Nam, mà còn chứa đựng giá trị tinh thần to lớn.
Ngay trước khu nhà sàn là ao cá có diện tích hơn 3,000m2, sâu 3m. Trước kia, sau giờ làm việc căng thẳng, Bác thường thả cá vào ao hay cho cá ăn bằng những tiếng vỗ tay. Ao cá này từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của Khu di tích, mang theo những ký ức độc đáo và tượng trưng về cuộc sống tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


- Chùa Một Cột
Chùa Một Cột, còn được gọi là Chùa Độc Lập, nằm trong khu vực Quảng trường Ba Đình. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời. Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 dưới thời vua Lý Thái Tông.
Ngôi chùa này có kiến trúc độc đáo với 1 gian chùa bằng gỗ nằm trên một cột đá lớn, nằm chính giữa hồ Linh Chiểu. Chùa có cấu trúc 3 phần chính là cột trụ, đài Liên Hoa và mái chùa. Cột trụ được tạo thành từ việc chồng lên nhau hai cột đá đường kính 1.2m, tạo nên một khối vô cùng vững chắc. Ngôi đài Liên Hoa có thiết kế hình vuông, mỗi cạnh dài 3m, được bao quanh bởi các chắn song lớn. Phần mái được lợp bằng ngói màu đỏ gạch, có bốn góc được uốn cong như đầu đao vút lên trời.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa và xây dựng lại, Chùa Một Cột vẫn giữ nguyên phong cách kiến trúc độc đáo và thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm. Nó không chỉ là một địa điểm tâm linh quan trọng mà còn là một biểu tượng văn hóa và kiến trúc độc đáo của Việt Nam.

Tất cả các công trình trong khuôn viên Quảng Trường Ba Đình không chỉ mang giá trị kiến trúc mà còn đại diện cho tinh thần độc lập, tự do và tình yêu quê hương của người Việt Nam. Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945 – 2/9/2023), cũng là dịp chúng ta ôn lại những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử cũng như những kỷ niệm hào hùng của dân tộc. Mừng Tết Độc lập, ArcSens cũng xin được chúc mọi người có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ, đầm ấm và bình an bên người thân.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
Kiến trúc Giác quan – ArcSens Jsc
Hotline: (02546)272060
Website: https://kientrucgiacquan.com/