THIẾT KẾ

Profestional Design

THI CÔNG TRỌN GÓI

Full Construction

Trong những ngày này, cả nước đang hân hoan những hoạt động kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 thành công (19/08/1945- 19/08/2017) và Quốc Khánh (02/09/1945- 02/09/2017). Theo dòng lịch sử, trở về những ngày Hà Nội cách đây 72 năm khi Chủ tịch Hồ Chí minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, hãy cùng ArcSens tìm hiểu người có vinh dự thiết kế Lễ đài độc lập lịch sử năm nào nhé.

Cách đây 72 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công. Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là nơi được lựa chọn để diễn ra ngày trọng đại này của dân tộc.

Quảng trường Ba Đình  xưa là cửa phía Tây của thành phố Hà Nội. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá thành vào năm 1894 và tại cổng phía Tây này, Pháp cho xây một vườn hoa nhỏ gọi tên là Puginier. Tên Quảng trường Ba Đình là do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố (từ ngày 20/07 đến 19/08/1945) đặt tên để tưởng nhớ về dải đất Nga Sơn- Thanh Hoá nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX.

Sau khi tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi, Bác Hồ đã ấn định ngày tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập là 02/09/1945. Cũng chính Bác Hồ đã chọn Quảng trường Ba Đình để tổ chức buổi Lễ trọng đại của dân tộc. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng , được coi như ngày Tết Độc lập của dân tộc, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ mọi phía, đặc biệt là sự chuẩn bị một Lễ đài thật đẹp, trang nghiêm tại Quảng Trường Ba Đình.

Theo dự tính, Lễ đài phải đủ cao, đủ rộng để 2/3 số dân nội và ngoại thành Hà Nội tham dự có thể nhìn thấy, và tác giả của công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập đó chính là Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (KTS).

KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những thế hệ học trò cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (thuộc Viện Đại học Đông Dương, là một trường đại học của Việt Nam chuyên đào tạo bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực mỹ thuật. Trường được giới chuyên môn đánh giá là nơi đào tạo mỹ thuật chính quy và có chất lượng cao của Việt Nam. Nơi đây là nơi nuôi dưỡng và phát hiện nhiều hoạ sỹ tài danh Việt Nam). Con người và sự nghiệp của ông là hình ảnh một kiến trúc sư đầy tài năng, uyên bác nhưng giản dị, một người nghiên cứu khoa học với tâm hồn nghệ sỹ và tấm lòng đôn hậu.

      KTS Ngô Huy Quỳnh (giữa) trong buổi lễ trao Huân chương Độc lập hạng 3 (Nguồn: kienviet.net)     

KTS Ngô Huy Quỳnh sinh năm 1920 xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học. Năm 1938, với tài năng của mình, ông thi đỗ vào cả hai khoa Mỹ thuật và Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay từ năm thứ ba ông đã thiết kế một số công trình, đa phần là những ngôi nhà tư nhân và nhiều biệt thự: Ngôi nhà 84 Nguyễn Du, biệt thự ở phố Cao Đạt- Hà Nội, những ngôi nhà ở Nam Định, Đình Bảng- Bắc Ninh…Những công trình do ông thiết kế đến ngày nay vẫn còn giá trị nghệ thuật.

Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn hoá Cứu quốc. Các mạng tháng 8 nổ ra, KTS Ngô Huy Quỳnh được Đảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Định.

Sáng ngày 01/09/1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng một Lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, lễ đài có thể giản dị nhưng vẫn phải trang nghiêm và bên trên có thể đứng được 30 người. KTS Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm.

HCM 71

Lễ đài độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945       

Trong một bài viết vào ngày 28/08/1992 để trả lời các câu hỏi của một phóng viên Tạp chí Kiến Trúc và đời sống, KTS Ngô Huy Quỳnh đã miêu tả nơi đặt Lễ đài độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử: “Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ ở giữa Quảng trường Ba Đình, trước các cổng cuốn và cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột theo kiểu thức tô-scan Pháp. Công trình này màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ cùng với khối cây cổ thụ màu xanh hầu như đóng vai trò “trẩm” theo cách nhìn phong thuỷ mà bà con không lạ lắm. Màu đỏm vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài và trước hành ngũ đại biểu nhân dân nổi rực rỡ và sống động trước vòm cây nhiệt đới và màu lam vòm trời đất Thăng Long.

Phải đứng từ không gian xa xa của các đoàn thể nhân dân mới thấy được bố cục toàn cảnh này. Tôi đã tranh thủ đo lại kích thước cổng cuốn và hàng cột kiểu thức tô-scan này để xác định khuôn khổ thích hợp của lễ đài trong không gian rộng lớn xung quanh.

Đồng bào Hà Nội vui lòng cho mượn gôc và vải; gỗ cần bao nhiêu cứ lấy, cần xẻ ra cứ làm, vải thì cố giữ cho đừng rách còn cần “pha” ra thì cũng tuỳ yêu cầu. Vật liệu có gỗ và đinh sắt được chở đến giữa bùng binh Ba Đình.

Riêng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống chống đỡ bục lễ đài phải chịu nặng trên hai tấn. Cột cờ và các trụ lễ đài đều chôn chân xuống đất, không dùng mộc để tránh thiệt nhiều cho bà con có gỗ và để tránh thủ thời gian. Dùng vải bọc ngoài các khung gỗ và taọ khối kiến trúc, dễ trang trí, có màu sắc cần thiết, với thời gian ít nhất. Các việc không phải mộc, không phải nề này tôi cũng làm với anh em thanh niên. Công nhân nhà máy điện đảm bảo ánh sáng thật đầy đủ.

Một việc trong nghề và nghiệp kiến trúc cách đây gần nửa thế kỉ đã gieo vào tình cảm thanh niên 25 tuổi của tôi một sức mạnh thầm lặng mà bền bỉ, tin tưởng vào sức vươn lên của cuộc sống và nền văn hoá dân tộc, từ ngày công bố Tuyên ngôn độc lập, cũng như từ ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mặc dầu xuất hiện những khó khăn mới.”

Cùng tài năng và sự nổ lực, ông và các cộng sự đã hoàn thành Lễ đài trước rạng sáng ngày 02/09. Màu đỏ, màu vàng của Lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động. Vào lúc 14h00 ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ Lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tổ quốc từ đây được độc lập, nhân dân được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 02/09 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Công hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

KTS Ngô Huy Quỳnh qua đời năm 2003. Cuộc đời ông đã dành 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho nền kiến trúc Việt Nam. Chính những đóng góp to lớn đó, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào…Tài năng, phẩm chất trong con người KTS Ngô Huy Quỳnh đã tạo nên một nhân cách, một tấm gương không chỉ cho các kiến trúc sư mà cho cả thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Sưu tầm: Hồng Hạnh (ArcSens)


THÔNG TIN BỔ ÍCH:


Sinh ra với sứ mệnh: “Lay động giác quan – Nâng tầm sống Việt”

Kiến trúc Giác Quan – ArcSens luôn sát cánh cùng bạn trên hành trình xây dựng nên ngôi nhà mơ ước. Bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào quy trình thiết kế, chúng tôi tự hào mang đến những sản phẩm kiến trúc và dịch vụ tốt nhất, vượt trên cả sự mong đợi của bạn.

Kiến trúc Giác Quan

Tìm kiếm thông tin về chúng tôi

Tìm kiếm

Gọi cho chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất

(02546) 272 060

Giờ làm việc 07:30 - 17:00

TRỤ SỞ VĂN PHÒNG

Đường Trần Đăng Ninh - khu phố Phú Thạnh, Phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

TRỤ SỞ VĂN PHÒNG

Đường Trần Đăng Ninh - khu phố Phú Thạnh, Phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

(02546) 272 060

Giờ làm việc 07:30 - 17:00

Cảm ơn bạn đã chia sẻ
Hãy chọn phương thức chia sẻ của bạn nhé!
Facebook
Twitter
Pinterest
Email
Print